Rối Loạn Nhịp Tim: Hiểu biết và cách phòng ngừa| Wellbeing

2024-10-15 14:57:29

Rối loạn nhịp tim được hiểu là tình trạng nhịp tim hoạt động không bình thường. Tình trạng này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Rối loạn nhịp tim có thể được phòng ngừa trong nhiều trường hợp thông qua việc thực hiện xây dựng lối sống lành mạnh và quản lý các yếu tố nguy cơ.

1. Rối loạn nhịp tim là gì?

    • Sinh lý điện tim và nhịp tim: Tim là một cơ quan phức tạp, thông thường tim gồm 4 buồng. Hai buồng phía trên là tâm nhĩ, hai buồng phía dưới là tâm thất. Tất cả các tế bào tim đều có khả năng co bóp tự động và nhịp nhàng. Nhịp tim được tạo ra từ một cấu trúc dẫn truyền điện trong tim, đặc biệt là từ nút xoang. Nút xoang (SA-Sinoatrial) nằm ở thành nhĩ phải, các tế bào trong nút xoang truyền các xung điện ra hai tâm nhĩ của tim rồi đến nút nhĩ - thất, sau đó qua hệ thống các bó nhánh các sợi Purkinje trong tâm thất, sau đó truyền xuống các tế bào cơ  tâm thất. Sự liên tục và nhịp nhàng theo từng đợt giúp tim co bóp tạo ra những nhịp đập của tim. 
  • Nhịp tim bình thường: Nhịp tim bình thường được tính dựa trên số lần tim bóp trong một phút. Với người bình thường lúc nghỉ nhịp tim dao động trong khoảng 60 đến 100 lần mỗi phút. Tuy nhiên có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim như hoạt động thể chất, tình trạng sức khỏe, cảm xúc hay  tuổi tác. Nhịp tim có thể tự kiểm tra bằng cách đếm mạch, sử dụng ống nghe và sử dụng thiết bị điện tử.
  • Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng rối loạn hoạt động điện sinh học của tim dẫn đến tình trạng tim đập quá nhanh (nhịp tim trên 100 lần/phút), quá chậm (nhịp tim dưới 60 lần/phút) hoặc không đều (nhịp tim lúc nhanh lúc chậm). Bất cứ các yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tự động hoặc khả năng dẫn truyền của tim đều có thể gây ra sự bất thường của nhịp tim. Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý phổ biến và thường xảy ra trong thực tế hàng ngày.

2. Các căn nguyên chính của rối loạn nhịp tim

Bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tự động hoặc khả năng dẫn truyền của tim đều có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Tình trạng này có thể xuất hiện trong vài phút, hoặc ngắn hơn nhưng cũng có thể xuất hiện theo từng đợt mà không có dấu hiệu cảnh báo trước đó. Một số loại rối loạn nhịp tim có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.

Các nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim như:

  • Bệnh tim mạch: Các bệnh như bệnh động mạch vành, suy tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim.
  • Căng thẳng và lo âu: Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
  • Rối loạn điện giải: Thiếu hụt hoặc mất cân bằng điện giải như kali, calci, magnesi và natri cũng có thể làm rối loạn nhịp tim.
  • Nồng độ oxy: Nồng độ oxy thấp có thể làm giảm khả năng dẫn truyền và khả năng co bóp của các tế bào cơ tim dẫn tới rối loạn nhịp tim.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc tăng huyết áp có thể gây ra tác dụng phụ này. Các thuốc gây nghiện như amphetamin và cocain cũng có tác động kích thích mạnh lên nhịp tim.
  • Các chất đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa: Caffein và các chất kích thích giao cảm khác có thể làm tăng khả năng dẫn truyền, trong khi các chất ức chế hệ thần kinh trung ương như rượu có tác dụng ngược lại.
  • Sự lão hóa của các tế bào thuộc hệ dẫn truyền ở tim và các tế bào cơ tim ở người cao tuổi: Rối loạn nhịp tim xuất hiện qua sự xơ hóa trọng hệ thống dẫn truyền.

3. Triệu chứng của rối loạn nhịp tim là

Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng:

  • Đánh trống ngực: Đây là triệu chứng điển hình và phổ biến của rối loạn nhịp tim. Người bệnh có thể cảm nhận tim đập mạnh hoặc nhanh, hoặc cảm nhận tim như ngừng đạp trong chốc lát và đập mạnh trở lại, kèm theo cảm giác hồi hộp.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu: Người bệnh cảm thấy choáng váng và bản thân bị mất cân bằng.
  • Khó thở: Người bệnh cảm thấy khó trong việc hô hấp, thở gấp hoặc tức ngực.
  • Cảm giác mệt mỏi hoặc yếu đuối bất chợt: Người bệnh cảm thấy cơ thể mất năng lượng, mệt mỏi.

4. Các dạng rối loạn nhịp tim thường gặp

  • Nhịp nhanh xoang: Đây là tình trạng các xung điện tim được truyền dẫn bình thường, có nguồn gốc từ nút xoang với nhịp trên 100 lần/phút. Nhịp nhanh xoang có thể có triệu chứng hoặc không triệu chứng, thường được người bệnh mô tả như “đánh trống ngực” hoặc “tim chạy đua”.
  • Nhịp chậm xoang: Đây là tình trạng các xung điện tim được truyền dẫn bình thường từ nút xoang với nhịp chậm hơn 60 lần/phút. Nhịp xoang chậm thường xuất hiện ở những người rèn luyện thể dục thể thao ở mức cao, hoặc ở những trường hợp nhòi máu thành trước cơ tim.
  • Ngoại tâm thu: Thường xuất hiện ở những người bệnh không có bệnh lý về tim và các yếu tố thường gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim này là lo âu, chấn động tâm ký, hoạt động thể lực. Tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở người bệnh tim tiềm tàng, bệnh lý cơ tim, van tim.
  • Rung nhĩ: Là dạng rối loạn nhịp tim trên thất kéo dài thường gặp nhất và chủ yếu là bệnh của người cao tuổi, thường gặp nhất ở bệnh nhân có tâm nhĩ to, bệnh van tim và các bệnh tim phổi mạn tính khác.
  • Cuồng nhĩ: Được cho là do sự quay vòng xung điện trong nhĩ phải. Trường hợp này, tâm nhĩ co thắt nhanh và đều với tần số dao động khoảng 240 đến 340 lần/phút.
  • Nhịp nhanh thất: Có nguồn gốc rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ tâm thất của tim, được xác định khi có từ ba ngoại tâm thu thất liên tiếp trở lên. Có nhịp nhanh thất không duy trì kéo dài dưới 30 giây và nhịp nhanh thất duy trì, kéo dài trên 30 giây.
  • Xoắn đỉnh: Thường do thuốc chống loạn nhịp nhóm 1 gây ra; giảm kali máu cũng là yếu tố thuận lợi. Triệu chứng chủ yếu là ngất, trụy tim mạch.
  • Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất: Để duy trì nhịp tim bình thường, xung động tạo ra từ nút xoang phải truyền qua các đường dẫn từ nhĩ đến thất, tình trạng rối loạn nhịp tim này xảy ra khi đường truyền nhĩ thất bị hỏng ở những vị trí quan trọng gây tình trạng tắc nghẽn dẫn truyền.

5. Cách tiếp cận để chẩn đoán rối loạn nhịp tim

  • Thăm khám lâm sàng: Bệnh nhân có thể có những triệu chứng gợi ý cho rối loạn nhịp tim, thăm khám lâm sàng có thể giúp tìm những bằng chứng của bệnh liên quan đến rối loạn nhịp tim.
  • Điện tâm đồ (ECG): Là công cụ chính để chẩn đoán các loại rối loạn nhịp tim.
  • Theo dõi nhịp tim: Sử dụng máy theo dõi để ghi lại nhịp tim trong 24 giờ hoặc lâu hơn.
  • Xét nghiệm điện giải: Kiểm tra mức độ điện giải trong cơ thể để xác định nguyên nhân.

6. Điều trị rối loạn nhịp tim

  • Điều chỉnh các căn nguyên tiềm tàng: Sử dụng thuốc hoặc các chất kích thích như caffeine là các căn nguyên gây rối loạn nhịp tim có thể điều chỉnh. Thay đổi hoặc ngưng sử dụng thuốc, các chất kích thích có thể giải quyết được vấn đề.
  • Thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc điều chỉnh nhịp tim hoặc thuốc chống đông máu nếu cần.
  • Sốc điện: Sốc điện cấp cứu hoặc khẩn cấp được sử dụng điều trị chon lọc có hiệu quả cho một số dạng loạn nhịp trên thất,
  • Can thiệp Y tế: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể cần đến các phương pháp như đốt điện tim hoặc cấy máy tạo nhịp tim.

7. Phòng ngừa rối loạn nhịp tim

  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Giảm căng thẳng, tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát tình trạng. Chú ý chế độ ăn nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau cải, củ quả và thịt gia cầm không da, các thực phẩm ít chất béo, đậu. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, hạn chế trứng và thịt đỏ. Tập thể dục hằng ngày, dừng hút thuốc và các chất kích thích.
  • Liệu pháp tinh thần: Học phương pháp kiểm soát hơi thở, nhịp tim để giúp ổn định lại nhịp tim. Chú trọng thời gian nghỉ ngơi phù hợp song song với việc tìm kiếm các liệu pháp giảm stress như thiền định, yoga.
  • Thăm khám định kỳ: Bệnh rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cũng như mọi thời điểm. Nên sắp xếp lịch thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ, việc phát hiện sớm có thể giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Rối loạn nhịp tim là tình trạng cần được chú ý và điều trị kịp thời. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng liên quan, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ. Việc nắm rõ thông tin và chủ động chăm sóc sức khỏe sẽ giúp bạn duy trì một trái tim khỏe mạnh và cuộc sống chất lượng hơn.

Bình luận:

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận:
Tin tức Wellbeing